Sunday, September 29, 2013

Cô Nhi Viện và Viện Dưỡng Lão


Từ xưa đến nay, tôi chưa bao giờ có ý tìm lại cha mẹ. Tôi hiểu rằng những đứa con lai, nhất là lai Mỹ đen như tôi, là những đứa con ngoài ý muốn; hầu như ít khi biết thực sự cha của đứa trẻ là ai.
Tôi bị Mẹ của tôi bỏ sau khi sinh ra mới có 48 giờ ở tại nhà thương. Tôi lớn lên trong cô nhi viện và trốn ra khỏi cô nhi viện năm 13 tuổi, ra giang hồ bữa đói bữa lạnh; sau cùng ghép hộ làm con một gia đình có 4 em 2 trai 2 gái để ra đi sang Mỹ theo diện Con Lai.
Tôi đến Mỹ năm 20 tuổi và đi làm ngay góp phần nuôi 4 đứa em đi học. Sau 18 năm các em 2 đứa là bác sĩ, 2 đứa là kỹ sư; Tôi bị ba má nuôi đuổi ra khỏi nhà vì gia đình sợ mang tiếng với suôi gia nhà trai nhà gái của 4 đứa em tôi. Tôi chưa được đến trường ngày nào trên đất Mỹ.
Mới 40 tuổi mà mắt đã mờ! Tôi đến gặp Bác sĩ gia đình, xin giấy giới thiệu gặp Bác sĩ chuyên khoa để có đốt hay mổ gì thì họ đưa đi hay chữa cho khỏi mất công.
20 năm rồi trên đất Mỹ, nhưng tiếng Mỹ của tôi chưa đầy lá mít,  nên tôi nhờ cô thư ký ở văn phòng bác sĩ gia đình tìm Clinic nào có người nói được tiếng Việt. May sao có clinic lớn mà chỉ đợi có 2 tuần, nhưng lại phải là giờ cuối cùng sắp đóng cửa!
Tôi đến sớm trước giờ hẹn nửa tiếng, đưa giấy giới thiệu cho một bà Mỹ già rồi ngồi ở phòng đợi chờ tới phiên. Tôi nhìn quanh coi có ai là Việt Nam mình không, nhưng chẳng thấy ai.  Bệnh nhân lần lần được gọi vào phòng khám rồi ra về gần hết vì sắp đến giờ đóng cửa. Sau cùng thì tôi cũng được gọi tên do một cô gái có nét Việt Nam mà từ nảy giờ tôi chưa hề thấy. Cô ta nói tiếng Anh với tôi từ lúc gọi tên đến lúc bảo ngồi ghế nhìn đọc. Tôi không hiểu rõ hết được nên hỏi cô có nói được tiếng Việt Nam không? Cô ta tỏ ra ngạc nhiên.
- Anh không phải là người Mỹ sao?
- Tôi là người Việt Nam.
- Nhưng Anh đâu có nét nào giống người Việt đâu?
Như biết mình lỡ lời, cô ta nói thêm tiếng “Sorry“.
- Chị không phải Sorry, nhiều người nói như thế mà! Tại tôi giống Mỹ Đen. Chị quê ở đâu ở Việt Nam?
- Ba tôi người Mỹ Tho, Mẹ ở Bình Dương nhưng tôi sinh ra ở Miền Trung, Nha Trang. Anh tôi và tôi đều sinh ở Nha Trang vì cha là Hải Quân  phục vụ ở Quân Trường Nha Trang.
- Tôi cũng sinh ở Nha Trang; nhưng rất tiếc là không biết cha mẹ của Tôi là ai?
- Anh sinh năm mấy? Cô ta vừa hỏi nhưng nhớ lại hình như câu hỏi có hơi thừa. Hồ sơ bệnh của tôi đang để trên bàn nên cô ta nhìn và ngạc nhiên nói:
- Ngày tháng năm sinh của anh giống y như của tôi! Có phải anh sinh ở nhà Bảo sinh Quân đội Nha Trang hay không?
- Đúng rồi, sau cô biết vậy?
- Ba má tôi có kể cho tôi nghe và tôi còn nhớ. Tôi sinh ra lúc 12 giờ trưa thì khoảng 8 giờ tối có một bà nữa sinh một bé trai. Sáng hôm sau, khi cha tôi vào thăm, mẹ tôi nói là bà mẹ sinh tối hôm qua muốn cho con của bà. Ba tôi nói, vậy mình xin, sẵn nuôi luôn có gì mướn thêm người giúp việc có sao đâu. Mẹ tôi nói Mỹ đen đó. Cha tôi nghe vậy, có đến nhìn thằng bé, rồi trở lại bảo nó cũng không đen lắm, trông rất dễ thương. Nhưng mẹ tôi không đồng ý, nói sợ người ta đàm tiếu. Cha tôi bảo: Anh bất cần thiên hạ. Chỉ cần em chịu là anh xin ngay. Nhưng cuối cùng mẹ tôi không chịu và nói mình đã có một trai một gái đủ rồi.
Thấy tôi chú ý nghe câu chuyện, cô ta nói thêm:
- Nếu anh là Mỹ trắng, có lẽ mẹ tôi đồng ý nuôi anh, và anh đã là em của tôi.
Sau phần làm thủ tục, tôi phải vào gặp bác sĩ chuyên khoa, khi xong thì cô ta đã về rồi.
Tôi về nhà mà vẫn bị ám ảnh vì câu chuyện do cô y sĩ nhãn khoa kể lại.
Ba của cô ta là người thế nào? Sau ông ta lại có ý tưởng xin tôi để nuôi? Phải tìm gặp ông ta mới được, tôi tự nhủ.
Ít ngày sau, tôi trở lại tìm gặp cô nha sĩ khám bệnh cho tôi hôm trước và xin được gặp Ba của cô ta. Cô ta bằng lòng ngay, viết cho tôi địa chỉ. Nhìn địa chỉ tôi hơi ngạc nhiên với 3 chữ “Viện Dưỡng lão”. Cô ta như đoán biết nên nói:
- Ba của tôi mới được đưa vào Viện Dưỡng Lão hôm tháng rồi.
Ngay Chủ nhật tuần đó, tôi vào Viện Dưỡng Lão xin gặp cái ông đã từng muốn nhận tôi làm con. Nếu tôi là con của ông ta, chắc tôi cũng sẽ như ba đứa con của ông đều tốt nghiệp Đại học cả, vì dù sao những kẻ có lòng tốt không để Tôi thất học.
Tôi chọn cái ghế nhìn được suốt dãy hành lang từ phòng khách đến phòng ăn để dễ nhìn người qua lại bên trong. Một Ông chừng 65 là cùng mặc dù người tôi muốn gặp nay đã 71. Ông ta đi còn nhanh nhẹn lưng không khòm tay chân nhịp đi đúng là người lính nhiều năm trong quân ngũ năm xưa; chẳng có vẻ gì là một cụ già đến độ phải vào Viện Dưỡng lão để chờ chết!
Hình như được con gái báo trước nên ông ta đi thẳng đến đưa tay bắt tay tôi và từ giới thiệu:
- Chú tên là Hùng, cứ gọi tên và gọi Chú cho bớt già hơn là gọi Cụ hay Bác.
Ông ta còn lanh lẹ, tiếng nói còn uy nghi rành rọt không có chút gì run rẩy hay khàn giọng của người già.
Ông ta hỏi: Tôi dành bao nhiêu thì giờ để gặp ông ta. Tôi nói cả ngày hôm nay cũng được. Ông ta hỏi tôi có uống cà phê và hút thuốc được không. Tôi nói được cả hai.
Ông ta đến nói với người quản lý xin được tiếp tôi ở phòng riêng để mời người bạn trẻ ly cà phê; rồi ông bảo tôi đi theo ông ta.
Theo ông ta về phòng riêng, tôi đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác.
Căn phòng có mùi dầu thơm chứ không khai và hôi như thiên hạ thường nói về nơi người già sống. Cái bàn Computer có cả máy in TV DVD player và Multimedia player với mấy chồng CD và DVD ca nhạc. Ông ta bắt đầu nấu nước pha cà phê phin; vừa làm vừa giải thích đây là cà phê Ý pha với cà phê Ban Mê Thuộc cho có đủ vị đắng và thơm.
Xong hai ly cà phê, ông bảo tôi “Đi, mình ra vườn. Ra bằng cửa này.” Cửa hông từ trong phòng riêng của ông mở thẳng ra vườn.  Ông nói, áp phe lắm mới được phòng nầy ăn thông ra vườn để trốn ra ngồi hút thuốc.
Khu vườn thoáng mát, vắng vẻ. Ông lấy ra bao thuốc Vogue mời tôi một điếu. Đây là loại thuốc điếu nhỏ chỉ bằng phân nửa điếu thuốc thường nhưng dài hơn và nặng hơn. Ông đốt thuốc cho Ông và đưa quẹt gaz cho tôi để tự tôi đốt lấy. Hớp xong hớp cà phê ông hỏi:
- Vừa không Cháu?
- Dạ ngon và thơm lắm, Chú.
- Nào giờ thì cháu muốn biết gì cứ hỏi. Chú nhớ được gì sẽ nói nấy.
- Cháu không có mục đích tìm cha hay mẹ, vì có muốn chắc cũng không bao giờ tìm được mà tìm để làm gì! Chú biết được nhớ được gì cháu cũng muốn biết hết.
- Con trai lớn của chú và con gái đều sinh ở bảo sinh viện Quân đội thành phố Nha Trang. Con gái của chú sinh lúc 12 giờ trưa. Chú bận nên 2 giờ chiều mới vào thăm sau đó đi làm và chiều vào thăm vợ con đến gần 7 giờ thì về. Sáng hôm sau chú vào thăm vợ con sớm trước khi đi làm thì phòng bên có thêm một sản phụ mới. Vợ chú nói bà ta mới sinh lúc 9 tối, nhưng không muốn nuôi nên cho con.
Chú bước sang đứng cửa phòng bên nhìn vào hơi tối nhưng cũng thấy mặt được cháu bình thường như bao trẻ khác nhưng đẹp hơn con gái chú nhiều; vì khi mới sinh con bé của chú trán nhăn ba lằn, giống y như chú, mũi gãy trán cao gần như vồ. Chú trở lại nói với vợ là mình có thể xin đứa bé. Nếu nuôi luôn 2 đứa chú sẽ mướn thêm người giúp việc. Nhưng vợ chú nói “Con Mỹ đen đó. Anh không sợ nhưng Em sợ miệng đời. Chú nói, không lẽ sinh đôi mà một đứa con Việt nam còn đứa kia là con Mỹ hay sao mà sợ. Vợ chú nói thôi, nếu trắng em mới nuôi. Chú Sorry với cháu. Tại chú cháu mình không có cái duyên làm cha con với nhau!
Thấy tôi chăm chú nghe nhưng không nói gì, ông kể tiếp:
- Chiều hôm đó Chú vào thăm thì thấy Má của cháu đi lại nhanh nhẹn chứ không nằm liệt như vợ của chú. Mẹ của cháu là người cao lớn, đẹp, coi mạnh khỏe và lanh lợi hơn vợ của chú. Nghe nói mẹ cháu ở đâu ngoài Chu Lai hay Qui Nhơn gì đó vào Nha Trang sinh; Chồng bà ta là Trung Úy Biệt Kích đi hành quân vùng Một ít khi về thăm. Có lẽ Má của cháu làm sở Mỹ có quan hệ trong sở, nên khi có bầu không biết là con của chồng mình hay với ai nên cứ sinh rồi mới tính. Nếu là con Việt thì đem về nuôi mà là con lai thì cho luôn. Sáng hôm sau, khi chú vào thăm thì vợ chú cho biết người đàn bà đó đã bỏ con và rời nhà thương lúc nửa đêm; nên nhà thương giao cháu cho Ban Xã hội của Quân Đội lo. Hầu hết là đem vào Viện Mồ Côi. Chú chỉ biết bao nhiêu đó. Cháu còn muốn biết đìều gì thì cho biết,  nếu chú có thể giải thích thì chú sẽ nói cho Cháu biết.
Tôi nói với ông:
- Chú đã nói ra tất cả những gì cháu thắc mắc. Bấy lâu cháu thắc mắc “Tại sao không muốn sinh con mà không phá thai; sinh ra để bỏ thì sinh làm gi?” Nay chú nói cùng môt lúc sống với chồng mà còn phải sống với Mỹ thì làm sao biết con của ai nên cứ phải sinh ra rồi mới tính thì có lẽ là cách giải thích hợp nhứt cho trường hợp của cháu. Cháu hận mẹ hận cha mặc dù cháu không biết họ là ai;  Từ thời thập niên 60 đến 1975 không biết đã có bao nhiêu trẻ mồ côi như cháu. Cháu hận bà mẹ, hận đàn bà nên đến nay mà cháu vẫn chưa lập gia đình!
Ông ta mồi thêm điếu thuốc và để gói thuốc cạnh tôi ra dấu mời. Tôi xoa tay từ chối trong im lặng. Ông ta đột nhiên cười khá lớn rồi ngó vào mắt tôi hỏi:
- Cháu có biết Viện Dưỡng Lão để làm gì không?
- Thì để cho người già sống.
- Ừ! Cả miền Nam Việt Nam trước 75 chú chỉ biết có một Viện Dưỡng lão ở Thị Nghè gần Xa Lộ Biên Hoà; nhưng cũng chỉ có mấy chục người, gồm những người không nhà, không con cháu không thân nhân mà người ta gọi là tứ cố vô thân. Tại Việt Nam trước đây, hầu hết người già sống nhờ vào con cháu nuôi vì bởi cha mẹ còn trẻ làm nuôi con cháu đến khi già thì nuôi lại coi như trả hiếu hay trả công. Xứ tư bản này, mỗi tiểu bang có mấy chục Viện Dưỡng lão. Già thì dù có con hay không con, có nhà hay không nhà giàu sang cũng như nghèo cũng đều phải vào Viện Dưỡng lão, bởi lý do con cháu ai cũng bận đi làm, không chăm sóc được.
Ông thở khói rồi tiêp:
- Chú có ba người con, ba cháu nội thì còn quá nhỏ không tính; nhưng cả đời, chưa bao giờ chú để các con của Chú đói lạnh. Sau 75 khổ sở thế nào Con của Chú vẫn không bị ăn độn. Sau đó chú đi vượt biên để được sống tự do và Vợ Con của Chú sang đây bằng máy bay do Chú bảo lãnh.
Ngày xưa chú còn trẻ sinh con bận bịu tại sao chú không gởi vào Viện Mồ Côi để được rảnh đi làm và hưởng thụ cái tuổi hoa mộng của Chú. Bận rộn đi làm lắm khi đói khổ vẫn không bỏ các Con; (một câu than nhẹ nhưng buốt thấu tâm can; suy nghĩ, học và hành cả một đời cũng không hiểu hết tình cha) nhưng Cháu có biết tại sao Chú còn mạnh khỏe đáng lý chưa đến độ vào đây; thế mà chú lại ở đây! Chú cũng còn là con người biết đủ hỷ nộ ái ố lạc, 71 tuổi là già nhưng Chú chưa mất trí còn tự mình chăm sóc được nhưng Chú bị tai biến mạch máu; Tim ngừng đập nên xe cứu thương đưa vào bệnh viện. Từ bệnh viện có thể đưa trực tiếp người già vào viện dưỡng lão ít có xét hồ sơ hay phỏng vấn phiền toái coi thực sự già lú lẫn hay chưa như trường hợp ở nhà muốn gởi vào Viện Dưỡng lão.
Người già nào hay nói ra người trẻ cũng lắm khi quên tắt lửa lò bếp hay quên chìa khóa hay quên bóp; nhưng già mà bị tố là có lắm cái quên như thế thì bị kết tội là “lú lẫn”. Chú bị đưa thẳng vào Viện Dưỡng lão trong trường hợp nầy cho dễ hơn nếu sau nầy chú về nhà thì khó có được sự dễ dàng để vào đây nên các con của chú tố chú lú lẫn để bỏ luôn chú vào đây một cách dễ dàng sớm hơn dự định của Chú.
Có con nhưng chúng bận rộn đi làm chúng có đời sống riêng nên không chăm sóc cho cha mẹ già được. Cháu thấy lý do nầy hợp lý chứ?(một câu hỏi nhẹ nhưng buốt thấu tâm can; suy nghĩ và tự mỗi người làm con tại hải ngoại sẽ tìm câu trả lời cho chính mình.
Nghe ông hỏi, tôi không biết trả lời ra sao. Ông tiếp tục châm thuốc, tiếp tục nói, vẫn với giọng tỉnh queo:
- Tuổi trẻ chú bận vừa đời lính lại khi VC chiếm Miền Nam thì cơ cực lầm than dễ gì đủ ăn no lòng; sao chú khờ dại không bỏ con mà chạy lấy thân để vui cuộc đời Việt Kiều độc thân. Tại sao phải thí mạng vượt biên rồi còn bảo lãnh con, nuôi con cho nên người để rồi các con cũng có thời tuổi trẻ bận như mình. Chúng bỏ mình nhưng ngày xưa mình lại không biết bỏ chúng. Cháu biết tại sao không? Là tại mình ngu.
Ông ta cười lớn nhưng sao cái cười quá chua chát:
- Cháu về bỏ hết, quên hết đi cái đời mồ côi của cháu đi mà vui sống. Vì cháu nên người ta mới lập “Viện Mồ Côi.” Và cũng vì có chú nên người ta mới lập “Viện Dưỡng lão.”
Lời an ủi của người từng có ý định làm cha nuôi của tôi làm tôi thấy mềm lòng. Nhìn ông, người cha bị con cái thành đạt bỏ vô viện dưỡng lão, tôi thật cũng muốn nói điều gì đó an ủi ông, nhưng không biết phải nói ra sao.
 
Trần Thiện Phi Hùng

Saturday, September 28, 2013

Cách chia hai đồng bạc...

Chú bé Lula, sinh ra vào tháng 10 năm 1945, tại 1 gia đình nông dân ở Ba-Tây ( Brazil ) .
 Vì nhà nghèo, nên từ lúc mới 4 tuổi, thằng nhỏ đã phải đi bán đâu phụng ngoài đường, nhưng vẫn quần áo tả tơi, và  thiếu ăn . Sau khi được lên tiểu học, lúc đó đã dọn lên thủ đô Rio de Janeiro, sau buổi học chú bé thường hay cùng với 2 người bạn cùng lứa đi đánh giầy ở đâu đường, hôm nào không có khách, thì coi như là nhịn đói.
Năm 12 tuổi, vào 1 buổi xế chiều, có 1 người khách, là chủ 1 tiệm giặt ủi và nhuộm áo quần  đến chiếu cố, 3 đứa trẻ chạy lại chào hàng. Ông chủ tiệm nhin vào  3 cặp mắt van xin khẩn khoản đó, không biết quyết định chọn đứa nào. Cuối cùng ông ta nói : Đứa nào cần tiền nhất, thì tôi cho nó đánh giầy, và sẽ trả công 2 đồng.

Công đánh 1 đôi giầy chỉ có 20 xu, 2 đồng đúng là 1 món tiền rất lớn. 3 cặp mắt đều sáng lên. Một đứa nhỏ nói : từ sáng đến giờ cháu chưa được ăn gì cả, nếu không kiếm được tiền hôm nay, cháu sẽ chết đói ! Đứa khác nói : "Nhà cháu đã hết thức ăn từ 3 ngày nay, mẹ cháu lại đang bệnh, cháu phải mua thức ăn cho cả nhà tối nay, nếu không thì lại bị ăn đòn…“ .

Cậu Lula nhìn vào 2 đồng bạc trong tay ông chủ tiệm, nghĩ ngợi 1 lúc, rồi nói : “Nếu cháu được ông cho kiếm 2 đồng này, thì cháu sẽ chia cho 2 đưá đó mỗi đứa 1 đồng !!”Câu nói của Lula làm Ông chủ Tiệm và 2 đứa nhỏ kia rất là ngạc nhiên. Cậu giải thích thêm: “Tụi nó là bạn thân nhất của cháu, đã nhịn đói hết 1 ngày rồi, còn cháu thì hồi trưa còn ăn được ít đậu phụng, nên có sức đánh giầy hơn chúng nó, Ông cứ để cháu đánh đi, chắc chắn Ông sẽ  hài lòng” Cảm động trước câu nói của thằng nhỏ, Ông chủ tiệm đã trả cho hắn 2 đồng bạc, sau khi được hắn đánh bóng đôi giầy. Và thằng nhỏ Lula giữ đúng lời, đã đưa ngay cho 2 đứa bạn mỗi đứa 1 đồng.

Vài ngày sau, Ông chủ Tiệm đã tìm đến thằng nhỏ Lula, nhận chú bé cứ sau buổi tan học là đến học nghề ở tiệm giặt nhuộm của ông ta, và bao cả bữa cơm tối. Tiền lương lúc học nghề tuy là rất thấp, nhưng so với đánh giầy thì khá hơn rất nhiều.  Thằng bé hiểu rằng : Chính vì mình đã đưa tay giúp đỡ những người khốn đốn, nên mới đem đến cho mình cơ hội làm thay đổi cuộc đời.

Từ đó, miễn là có khả năng, chú bé Lula không ngần ngại giúp đỡ những người sống khốn khổ hơn mình. Sau, Lula nghỉ học đi làm thợ trong 1 nhà máy, để bênh vực cho quyền lợi của những  người thợ, cậu ta tham gia vào công-đoàn, năm 45 tuổi, Lula lập ra đảng Lao-Công.

Năm 2002, trong cuộc ứng cử tổng-thống, khẩu hiệu của Lula là : Ba bữa cơm no cho tất cả những người trong quốc gia này.  Và đắc cử làm Tổng Thống  xứ Brazil.  Năm 2006 đắc cử nhiệm kỳ 2, cho 4 năm tới.
Trong 8 năm tại chức, Ông ta đã thực hiện đúng lời mình đã hứa : 93% trẻ em và 83% người lớn ở nước này được no ấm.  Thực hành đúng tâm niệm: giúp đời !!  Và nước Ba-tây dưới sự lãnh đạo của Ông đã không còn là "con khủng long nhai cỏ" mà đã trở nên "Con mãnh sư Mỹ Châu".  Và xây nên nền kinh tế đứng thứ 10 trên thế giới.  Luiz Inácio Lula da Silva : đó là tên của vị tổng thống Brazil ( 2002 - 2010 )

Wednesday, September 25, 2013

Chuyện Hai Người Quét Rác


 
Vào sáng Chủ  Nhật, có thể là do ngày nghỉ rảnh rỗi, một người đàn ông trung niên lúi húi quét dọn trước cửa nhà. Ông cầm chiếc chổi và đồ hốt rác quét sạch vỉa hè rồi quét dọc theo lề đường, cẩn thận gom tất cả đám cát, bao ny-lông, mẩu thuốc lá, ly giấy, lá khô và đủ thứ rác rưởi của xã hội văn minh vào thùng, đậy nắp cẩn thận, đặt ngay ngắn xuống lòng đường, để ngày mai xe rác của thành phố lấy đi. Hình như ông là người duy nhất ở khu phố này cầm chổi quét lòng đường và vỉa hè. Thói thường đều cho rằng chuyện đường phố sạch dơ để thành phố lo. Hơi đâu “bao đồng” chuyện nhà nước? Thế nhưng cứ mỗi lần qua khu Japan Town, ông lại cảm phục người Nhật về tinh thần tự trọng và yêu mến thành phố của họ. Lúc nào ông cũng thấy những ông, bà Nhật lúi húi quét dọn vỉa hè và lòng đường. Chính vì thế mà cả khu Japan Town lúc nào cũng sạch trơn. Chỉ cần bước qua ranh giới của Japan Town là một hình ảnh thật tương phản. Sự sạch sẽ, khang trang chỉ cách nhau một sợi chỉ. Có lần ông dừng xe lại hỏi thăm thì được các ông bà Nhật nói:
Chúng tôi quan niệm rằng đường phố thuộc về người dân, không hoàn toàn thuộc về chính phủ. Do đó giữ gìn đường phố sạch sẽ cũng là trách nhiệm của người dân. Đồng ý là chúng tôi có đóng thuế để thành phố lo chuyện vệ sinh nhưng giờ đây thành phố có quá nhiều việc phải lo hoặc lo không xuể. Chúng tôi không ngồi đó than trời trách đất. Nếu muốn sở rác phục vụ tốt hơn thì chúng tôi lại phải đóng thêm thuế. Thôi thì chúng tôi chia xẻ trách nhiệm với nhà nước mà cũng là để giữ gìn đường phố của chính mình. Chẳng mất mát gì cả. Tới một thành phố khang trang sạch sẽ người ta cảm phục cả đất nước lẫn con người ở đó. Chúng tôi yêu khu phố của chúng tôi và cũng muốn khách vãng lai yêu mến nó.”
Chinh vì cảm phục người Nhật mà tuần nào ông cũng làm công việc này mà chẳng than phiền chi cả. Khi nhận thấy vỉa hè và lòng đường đã khá sạch, ông toan thu dọn để bước vào nhà thì một thanh niên từ xa bước tới, miệng phì phèo điếu thuốc. Chỉ cần nhìn cách ăn mặc và đi đứng người ta có thể nhận ra đây là một chàng thanh niên ngang tàng. Khi tới chỗ ông đang đứng, người thanh niên rít hơi cuối cùng rồi coi như không có ai, thản nhiên quăng mẩu thuốc lá xuống đường. Nhìn mẩu thuốc là nằm tênh hênh trên mặt vỉa hè sạch trơn, dường như nó có vẻ “phá hoại” và trêu ngươi, cho nên người đàn ông tức giận, lớn tiếng gọi người thanh niên:
-Này, yêu cầu quay lại nhặt tàn thuốc lá lên nghe!
Người thanh niên đã đi cách xa ông khoảng năm, sáu bước, nghe gọi thế quay đầu lại nhìn với vẻ hết sức ngạc nhiên. Anh ta ngạc nhiên vì có thể cả trăm lần quăng mẩu thuốc lá như thế này mà chẳng ai phản ứng gì, nay có một “gã điên” làm chuyện không giống ai. Anh ta quay lại, sẵng giọng hỏi:
-Ông nói gì?
-Yêu cầu cậu nhặt mẩu thuốc lá lên!
            Mặt chàng thanh niên đỏ gay:
-Bộ đường phố này của ông hả?
            Người đàn ông trả lời ngay:
-Không phải của tôi nhưng tôi tôi quét dọn sạch sẽ. Người tự trọng không bao giờ xả rác bừa bãi.  Cậu hiểu điều đó không? Tôi yêu cầu cậu nhặt lên!
            Tự ái bị tổn thương, người thanh niên không cần phân biệt đúng-sai, nói như gây sự:
-Không nhặt thì sao?
            Sự lớn tiếng qua lại giữa hai bên làm người trong nhà chạy ra, người qua lại trên hè phố tò mò đứng lại. Cuối cùng tất cả đều thấy đây không phải chuyện đại sự cho nên xúm vào can gián. Cuối cùng người thanh niên hậm hực bỏ đi còn người đàn ông đứng phân bua một hồi rồi bực bội bước vào nhà.
***
Ba ngày sau, tại một khu phố khác cách đó khoảng năm, sáu con đường người ta thấy một vị sư đang quét rác tại cổng một ngôi chùa. Hôm nay là Thứ Hai chùa vắng, Phật tử đi làm hết, sau hai ngày cuối tuần bận rộn với sinh hoạt và lễ lạc, rác đã thấy lai rai trên sân. Ngoài ra, còn lá trên cây rụng xuống cho nên thầy trụ trì ra công quét dọn, vừa vận động vừa làm sạch trong ngoài. Đối với người xuất gia, quét rác cũng là “công phu”. Sau khi cổng chùa đã sạch sẽ, sư toan đẩy thùng rác trở vào thì một chàng thanh niên tà tà bước tới. Đây chính là anh chàng đã gây sự với người đàn ông quét rác ba ngày trước. Khi đi tới cổng chùa, có thể do vô tình, do quán tính, cố tật, hoặc đãng trí, sau khi mở bao thuốc lá, chàng ta rút ra một điếu, châm lửa. Thấy bao thuốc đã hết, chàng ta quăng cả chiếc bao trống không dưới chân bức tường cạnh cổng chùa rồi thản nhiên bước đi. Thế nhưng khi bước đi khoảng năm, sáu thước, có thể do nhớ lại cuộc “đụng độ” với người đàn ông trước đây, chàng ta quay đầu lại xem sự thể như thế nào. Trái với phỏng đoán của mình, vị sư bình thản bước tới chân bức tường, cúi xuống nhặt bao thuốc lá lên, quay lại thùng rác, mở một bao rác nhỏ, bỏ bao thuốc lá trống vào bên trong, cột trở lại, bỏ vào thùng rác rồi lặng lẽ đẩy thùng rác vào bên trong sân chùa, không hề quay nhìn chàng thanh niên …đang ngạc nhiên đứng đó.
***
Ngày hôm sau, chàng thanh niên tới thăm vị sư. Sau khi giới thiệu mình chính là người xả rác trước cổng chùa. Chàng ta kể lại chuyện “đụng độ” với người đàn ông rồi hỏi:
-Thưa thầy, tại sao cùng một chuyện mà thầy lại có lối cư xử nhẹ nhàng hơn người đàn ông kia?
Sư hiền từ đáp:

-Người đàn ông đó là một công dân tốt. Một công dân tốt do làm tròn bổn phận của mình cho nên thường thẳng thắn nói lên cái sai của người khác để cùng nhau sửa chữa trong tinh thần ôn hòa. Tuy nhiên cách hành xử giữa một người thường và một người xuất gia có khác nhau. Người xuất gia không nói về cái lỗi của kẻ khác mà kham nhẫn để kẻ phạm lỗi giác ngộ mà tu sửa. Hai lối hành xử đó không cái nào hơn cái nào, “vạn pháp đều bình đẳng”, chỉ tùy duyên ứng xử mà thôi. Một căn nhà, một ngôi chùa, một khu phố hoặc nơi làm việc cần phải sạch sẽ. Sự sạch sẽ làm trang nghiêm cuộc sống và thế giới. Ngay đầu óc chúng ta cũng cần sạch sẽ. Muốn sạch sẽ thì phải quét rác. Một chiếc máy điện tử muốn tốt cũng phải “đổ rác”. Đầu óc con người muốn thanh tịnh, sạch sẽ cũng phải “đổ rác”- đổ bớt rác rưởi của tâm hồn. Những ý nghĩ bất tịnh, tương tranh, thù hận, đố kỵ, tị hiềm, những tư tưởng loại trừ, kỳ thị, ghét bỏ đều là rác rưởi của tâm hồn. “Quét rác” và “đổ rác” là việc làm thường xuyên của người nào muốn tâm hồn thanh tịnh. Từ thanh tịnh mà có thanh thản. Vì thanh thản cho nên không động tâm. Vì tâm không động cho nên ít gây đổ vỡ.            ***
Ba ngày sau, chàng thanh niên tìm tới nhà người đàn ông, nói lời xin lỗi. Chàng học được một bài học nơi sư, “ Thay vì xả rác xuống đường hoặc nơi công cộng thì nên xả bớt rác trong tâm hồn mình.”
Lời người kể chuyện:
Ngoài đức tính kham nhẫn, có thể sư đã đạt tới mức “vô phân biệt”. Sư cứ thấy rác thì quét mà không hề phân biệt rác từ cây đổ xuống, Phật tử xả ra, nam hay nữ, lạ hay quen cho nên rác của chàng thanh niên cũng thế thôi. Chính vì “vô phân biệt” cho nên sư không động tâm. Không động tâm cho nên sư đã quét rác trong trạng thái “vô tâm”. Mà vô tâm thì an lành./.
 
Đào Văn Bình
(California 20 Tháng 9, 2013)

Thursday, September 19, 2013

THA THỨ.

 

Một thiền sinh hỏi: “Thưa sư phụ, con đau khổ vì cha mẹ tàn nhẫn, người yêu con ruồng bỏ, anh em phản bội, bạn bè phá hoại… Con phải làm sao để hết oán hờn và thù ghét đây?”

Vị sư phụ đáp: “Con ngồi xuống tịnh tâm, tha thứ hết cho họ.”
Vài hôm sau, người đệ tử trở lại: “Con đã học được tha thứ cho họ sư phụ ạ. Thật nhẹ cả người! Coi như xong!”
Sư phụ đáp: “Chưa xong, con về tịnh tâm, mở hết lòng ra thương yêu họ.”
Người đệ tử gải đầu: “Tha thứ thôi cũng đã quá khó, lại phải thương yêu họ thì… Thôi được, con sẽ làm”
Một tuần sau, người đệ tử trở lại, mặt vui vẻ hẳn, khoe với sư phụ là đã làm được việc thương những người mà trước đây đã từng đối xử tệ bạc với mình.
Sư phụ gật gù bảo: “Tốt! Bây giờ con về tịnh tâm, ghi ơn họ. Nếu không có họ đóng những vai trò đó thì con đâu có cơ hội tiến hóa tâm linh như vậy.”
Người đệ tử trở lại, lần nầy tin tưởng rằng mình đã học xong bài vở. Anh tuyên bố: “Con đã học được và ghi ơn hết mọi người đã cho con cơ hội học được sự tha thứ!”
Sư phụ cười: “Vậy thì con về tịnh tâm lại đi nhé. Họ đã đóng đúng vai trò của họ chứ họ có lầm lỗi gì mà con tha thứ hay không tha thứ.”

SUY NGHĨ :

Câu chuyện thật ý nghĩa, chúng ta có thể nhận ra rằng tha thứ giúp cho chúng ta đóng lại những đau thương, bất công trong quá khứ và nhìn nhận các sự việc rõ ràng để buông xuống. Tha thứ giúp cho chúng ta mở rộng lòng yêu thương, giúp cho ta nhìn lại chính mình đã làm hao phí năng lượng khi đánh mất lòng khoan dung.

Tha thứ chính là một tiến trình tiến hóa tích cực của nội tâm, khi chúng ta thật sự đối diện và buông xuống những đau thương, mất mát, bất công… chúng ta sẽ không còn mang lòng oán hận, giận dữ… từ đó giúp cho chúng ta không nuôi dưỡng những niềm cay đắng, phẫn uất, trả thù… để rồi tạo thêm những điều bất thiện ở hiện tại và tương lai lại phải nhận sự khổ đau.

Qua đó, chúng ta nhận rõ tha thứ giúp cho chúng ta sống an ổn hiện tại và tương lai. Vì vậy, có thể nói rằng “tha thứ cho người khác chính là tha thứ cho chính mình”, vì khi chúng ta buông bỏ lòng thù hận, sẽ giúp cho tâm mình luôn bình an. Tâm bình an sẽ là chất liệu để tạo dựng nên lòng yêu thương từ bi cho mình và cho tất cả.

Đọc và suy ngẫm câu chuyện một lần nữa, chúng ta thấy rõ như một trình tự khi bạn biết tha thứ , bạn sẽ có lại tình thương với những đối tượng đã gây cho mình đau khổ mà bấy lâu mình đánh mất vì thiếu lòng khoan dung , hiện khởi Tâm Từ Bi rộng lớn, nhớ ơn tất cả đã cho chúng ta sự thành tựu này và chợt nhận ra rằng “vạn pháp vốn bình đẳng”.
Trên bước đường tu tập của người con Phật, chúng ta phải cảm ơn những bậc thiện hữu tri thức đã đưa đến cho mình nghịch duyên để chúng ta có cơ hội nâng cao đời sống tâm linh của chính mình. Nghịch tăng thượng duyên là vậy! Thật vậy, nếu lúc nào cũng thuận duyên, cũng đều được quí mến thì ta dễ dàng bị ru ngủ trong niềm tự hào, hãnh diện , ta đang biến mình thành nô lệ cho sự cống cao ngã mạn… tự đánh mất chính mình lúc nào không hay. Vì vậy, vị Sư đã dạy người học trò của mình phải biết ghi ơn những người đã đem đến cho mình những phiền não, oan uổng….để chúng ta có cơ hội nhìn lại chính mình, thực hành và chuyển hóa nội tâm, để nhận chân sự thật “chẳng có ai là người tha thứ và được tha thứ cả!”
Với tôi, việc học cách tha thứ và hành theo những lời dạy của Chư Phật, Chư Tổ không phải đơn giản và dễ dàng nhưng cũng không phải là quá khó nếu mình muốn và tôi đã bắt đầu cho những sự việc nhỏ nhất từ trong cuộc sống của chính mình với mọi người xung quanh…để có được sự bình an hạnh phúc chân thật!
Cổ Đức có câu này: “ Càng buông bỏ dưới chân này.
Ấy là chỗ đứng càng ngày càng cao ”

Wednesday, September 18, 2013

Huyền Nhiệm Của Tình Bạn


HUYỀN NHIỆM CỦA TÌNH BẠN (1)
“Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc,
ai gặp được người bạn như thế, là gặp được kho tàng” (Hc 6,14).

Có nhiều loại tình bạn trong cuộc sống, và có nhiều ý hướng khác nhau trong tình bạn. Không mấy ai không có bạn, nhưng cũng chẳng mấy ai có được người bạn tâm giao đích thực. Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến tình bạn tri âm tri kỷ, một tình bạn cao thượng, trong sáng, vô vị lợi, dám sống vì lợi ích chân chính của nhau, và dám chết đi chính mình vì hạnh phúc của nhau (x. Ga 15, 13).
Có những tình bạn tuyệt vời
Không thiếu những tình bạn tuyệt vời mà chúng ta từng biết tới trong nền văn hóa Á Đông, như Lưu Bình – Dương Lễ; Tô Tần – Trương Nghi; Bá Nha – Tử Kỳ; Quản Trọng – Bão Thúc. Kinh Thánh cũng ca ngợi tình bạn thật cảm động giữa Đavít và Gionathan (2Sm 1, 26).
Đó là những tình bạn biết trung tín trong mọi điều; trung thành trong mọi nghịch cảnh; trung kiên trong mọi thử thách; trung chính trong mọi nghi nan; trung hậu trong mọi phán đoán… một tình bạn xóa mọi khoảng cách của tuổi tác, giai cấp, trình độ, khả năng… để chỉ còn lại một tấm lòng và sự khôn ngoan chính trực cho nhau, giúp nhau đi sâu vào chính mình và những huyền nhiệm trong đời, như một chân trời thênh thang mời gọi khám phá không ngừng về chính mình để vươn lên những tầm cao của Chân-Thiện-Mỹ. Cao quí và hạnh phúc biết bao có được một người bạn như vậy. Kinh Thánh cũng ca ngợi rằng: “giá trị của người bạn ấy, không cân nào lường được” (Hc 6, 15)
   Thật ra, tình bạn là một ân huệ Chúa ban, là một “cơ duyên” Trời cho. Hiểu như vậy nên triết gia Platon đã nói: “Thượng Đế dựng nên các người bạn, và dẫn người bạn này đến với người bạn kia”. Ông vẫn nghĩ tình bạn là tia chớp huyền bí của thần thánh. Cicéron cũng phát biểu như sau:Tình bạn như mặt trời trong cuộc sống chúng ta, là ơn lớn nhất sau sự khôn ngoan mà các thần linh ban cho con người”. Đúng thế, người ta không thể chế tạo được tình bạn. Sự nẩy sinh tình bạn vẫn còn là một bí ẩn. Bỗng dưng một ngày, tình bạn đã có đó, và như vậy, Thiên Chúa đã mở cánh cửa của lòng tôi.
Tầm quan trọng của tình bạn
“Đối với nhiều người, tình bạn là cột nâng đỡ khi bị mất thăng bằng, là nơi ẩn núp khi bị tấn công, là tổ quốc cho người không quốc gia” (Anselm Grun).
Quan niệm của người Hy lạp
Người Hy lạp là dân tộc tiêu biểu cho tình bạn. Họ tin chắc tâm hồn sẽ bị nguy hại nếu không có tình bạn. Các thi sĩ, các triết gia Hy lạp viết nhiều về tình bạn hơn là viết về hôn nhân và gia đình. Họ đã quan niệm về tình bạn như sau:
- Démocrite cho biết, tình bạn là điều cần thiết cho một cuộc đời thành công.
         - Épicure cho rằng, tình bạn là điều quan trọng nhất, bởi vì chính tình bạn dẫn đến sự khôn ngoan và sung mãn. Tình bạn cho mình cảm giác được an tâm và giải tỏa cho mình khỏi lo lắng, làm cho mình sống sâu đậm hơn. Đó là điều kiện thiết yếu cho một hạnh phúc thật sự.
- Euripides nhận định rằng: “Giàu có là điều tốt, mạnh khỏe là điều tốt, nhưng có một người bạn chí cốt là điều tốt hơn”.
- Pythagore cảm nhận tình bạn như sau: “Khi tôi gần người bạn tâm giao, tôi không phải lẻ loi, và hai chúng tôi chỉ là một”.
- Aristote đã cảm nghiệm: Tình bạn là tình cảm sâu đậm nhất trong đời sống con người”. Ông còn diễn tả sự hòa hợp cao quí của tình bạn như sau: “Tình bạn, tức là một tâm hồn ở trong hai cơ thể, một cơ thể chứa đựng hai tâm hồn”
 Quan niệm của Tây phương
Theo thánh Augustinô, tình bạn là một mảnh đất được chọn lọc, là một nơi cư ngụ cho cuộc đời mình. Heinrich Zschoke cũng viết: “Ai không có bạn thì người đó đi lang thang trên quả đất này như người xa lạ không nơi bám víu”. Chateaubrian cũng diễn tả: người ta tìm chỗ ẩn núp trong tình bạn với “một quả tim tràn đầy trong một thế giới trống rỗng”. Tình bạn trở nên nơi an bình, vì thế, ai cũng cần một khoảng không gian cho tình bạn.
Tư tưởng về tình bạn còn chiếm ưu thế nơi các thi sĩ, các triết gia ở thế kỷ 18, như Voltaire đã từng nói: “Tất cả những cái trọng đại ở đời này không bằng một người bạn tốt”.
Trong thế giới hôm nay
Ngày nay, trong một thế giới bình đẳng và tự do, người ta rất nghi ngại về các cơ cấu như Giáo hội, Quốc gia, gia đình, tổ chức. Vì thế, người ta càng dễ hướng tới tình bạn, vì nó không phải là một cơ cấu, nhưng là dựa trên tự do lựa chọn của mỗi người. Chính Chúa Giêsu đã nói: Anh em là bạn của Thầy, chính Thầy lựa chọn anh em …” (Ga 15, 15). Thật vậy, Tình bạn luôn luôn là một sự lựa chọn: “Số phận tạo ra cha mẹ, sự chọn lựa tạo nên bạn bè” (J. Delile).
Cuộc sống xã hội đầy những ngổn ngang, xáo trộn và biến động, người ta càng phải biết chọn lựa những gì cao quí để làm nên bậc thang giá trị cho đời sống mình. Trong chiều hướng đó, nhiều người cho rằng tình bạn là một trong những giá trị tối thượng. “Một trong những sung sướng lớn lao nhất ở đời này là tình bạn, và một trong những sung sướng của tình bạn là có người để ký thác những điều thầm kín”. (Alexandre Manzoni).
Quả thật, một người bạn chân chính sẽ làm cho cuộc đời ta phong phú, có những cảm nhận thật đặc biệt về tình nghĩa sâu đậm làm nên những giá trị tích cực trong đời. Tình bạn đó sẽ lấp được những khoảng trống trong tâm hồn của đôi bên : cả hai sẽ tìm được sự nâng đỡ mà Kinh Thánh đã nói: “như một nơi nương tựa vững chắc” (Hc 6,14), cũng là tìm được tấm lòng trìu mến thân thương, tự do và sung mãn thêm nữa cho cuộc đời và tình yêu trong cuộc sống này.
Thiếu tình bạn thân, người ta dễ rơi vào bệnh lạnh lùng, hoặc hung hăng hiếu chiến, hoặc bệnh chủ quan, hà khắc và độc đoán. Các thể chế hay cộng đoàn nào không cho tình bạn phát triển đều là những hình thức bất nhân. Một môi trường không được phép phát triển một tình yêu chan hòa với bạn hữu, dù chung hay riêng, thì đều là môi trường chết. Với kinh nghiệm về tình bằng hữu chân chính, tự nhiên người ta biết cách phát huy tình yêu cộng đồng một cách sinh động và sáng tạo. Cho dù phải phòng ngừa những tình bạn có tính cách méo mó lệch lạc, nhưng không vì thế mà làm mất đi một phương tiện hữu hiệu cho đời sống.
Ý thức tầm quan trọng về vai trò của tình bạn trong việc phát triển nhân tính là tiến gần đến Chúa Giêsu, Đấng đã xem đồ đệ mình là bạn hữu, đã coi Gioan là người thân tín nhất, và đã sẵn sàng hy sinh mạng sống vì họ. Quả thật, đối với Chúa Giêsu, tình bạn là điều căn bản và thiết yếu.
Sự cao đẹp và lợi ích lớn lao của tình bạn
Cũng như Cicéron đã xác tín “tình bạn như mặt trời chiếu dọi trên đời người… ai cất tình bạn ra khỏi cuộc đời thì cũng như cất mặt trời ra khỏi vũ trụ”. Không có tình bạn, đời sống vẫn nằm trong bóng tối và không có hoan lạc. Các tâm lý gia cũng quan sát thấy ai không có bạn bè sẽ đau khổ nhiều hơn khi gặp những tai ương nghịch cảnh, và đôi khi không vượt qua được. Cũng chính trong nghịch cảnh mới biết ai là người bạn tâm giao chân tình, trong nguy biến mới biết ai là bạn thật.
Khi bị tấn công, thất bại hay đứng trước nỗi cô đơn, người bạn tri âm là người thầy chữa trị tốt nhất: Goethe, nhà đại văn hào Đức đã nói như sau: “Chính quả tim của bạn làm giảm cơn đau của tôi”. Sách Huấn ca cũng xác quyết: Người bạn trung thành là phương thuốc xoa dịu cuộc đời, những ai kính sợ Đức Chúa sẽ gặp được người như vậy” (Hc 6, 16).
Trong mọi hoàn cảnh, có được một người bạn tri kỷ là có được sự nâng đỡ đích thực, giúp ta không bị rơi vào tình trạng suy thoái tinh thần. Tình bạn cho mình sức mạnh để biết sống trung thực với chính mình, để mình biết nói tiếng “vâng” với cuộc đời; để mình dám đối diện với mọi thách đố và nguy hiểm, do người khác hay do chính mình gây ra. Tình bạn như thế, tập cho mình biết vượt qua bản thân, vượt trên tính cách quy kỷ, biết mở lòng ra để đón nhận và trao ban. Một người bạn như vậy, không nhất thiết phải ở cận kề, chỉ cần người ấy có đó bằng một sự hiện diện của tấm lòng là tôi có thể chịu đựng những khốn khó mà không rơi vào tuyệt vọng, để âm thầm từng bước vươn lên.
Người Nhật-Bản có một ngạn ngữ:“Đi bên cạnh một người bạn thì không có con đường nào là quá dài”. Được ở gần người bạn làm cho ta tăng thêm sức mạnh để tiến bước trước những khó khăn. Người bạn chân tình là động lực giúp ta dám đương đầu với cuộc sống, tránh được nguy cơ hụt hẫng. Nếu biết tin tưởng vào một người bạn, ta sẽ nhìn các các vấn đề của mình một cách khách quan và nhẹ nhàng hơn. Người bạn như tấm gương, là “cách vận hành của tôi”, kềm giữ tôi không rơi vào ngõ bí, cho tôi sức thổi cần thiết để đi đến cùng con đường của mình.
Nữ văn sĩ Zenta Maurina, một người bị bại liệt từ nhỏ, là một minh chứng cho những gì chúng ta vừa nói ở trên. Bà đã tựa vào tình bạn để lấy sức mạnh mà sống đẹp cuộc đời mình, với cảm nhận như sau: “Tình bạn đối với con người như đôi cánh đối với loài chim. Đôi cánh của tình bạn nâng từng bước chân tôi trên con đường khó khăn…,che chở tôi khỏi những xúc động tiêu cực…, giúp tôi chịu đựng những khi kiệt sức”.
Theo Thánh Augustinô: “Không có bạn, cuộc đời không thể nào hạnh phúc”. Thánh nhân kết giao tình nghĩa bạn bè rất thâm sâu, ông không thể nào sống mà không có bạn. Chính tình nghĩa bạn bè đã nâng nhau lên. Cũng vậy, Friedrich Nietzsche cho thấy bạn ông đã nâng đỡ ông biết bao khi đối diện với sự thiếu tự tin của mình. Ông viết cho bạn mình rằng: “Sự cảm nhận tôi có về tôi thật là yếu kém và tội nghiệp, bạn phải trấn an tôi không ngừng để tôi đương đầu với chính tôi”. Như vậy, trong tình bạn, tôi thấy được trọng tâm của tôi, tôi cảm nhận được tôi. Lòng tự tin của tôi tăng lên, vì có một người tin ở tôi, tôi có thể hoàn toàn tin tưởng vào chính tôi.
Trong văn chương, tình bạn đã cho chúng ta những bức thư thuyệt đẹp, trong đó cũng không thiếu những bức thư của các vị thánh, như tình bạn của chị em Têrêsa de Lisieux, của Phanxicô và Clara, đặc biệt của đôi bạn Phanxicô-xaviê và Inhaxiô. Trên đường truyền giáo đến Nhật bản và Trung Quốc, Phanxicô-xaviê đã tuôn trào ngấn lệ khi đọc lá thơ của Inhaxiô. Cuộc trao đổi thơ từ đã làm cho tình bạn của họ trở nên sinh động, gây phấn chấn cho nhau dù không còn gặp lại nhau nữa. Họ cảm nhận được tình yêu thương nồng hậu của nhau, và điều đó đã giúp Phanxicô can đảm thực hiện cuộc hành trình đầy nguy hiểm và hoàn tất sứ vụ. Chính tình bạn thâm sâu tự cõi lòng đã hình thành những dòng chữ có giá trị vô song, khơi dậy sự sống tinh thần và niềm tin yêu quả cảm.
Điều kiện để phát sinh và triển nở tình bạn
Pythagore cho rằng, tình bạn là mẹ của tất cả các đức hạnh. Vì vậy, chỉ những người nào có nguyện ước trau dồi đức hạnh, người đó mới có thể xây dựng được một tình bạn đích thực. Tự khép mình và chỉ biết quy mọi cái về cho mình sẽ làm cho tình bạn không thể nảy nở được.
Là bạn của chính mình
Theo Platon, để phát huy tình bạn thì trước tiên, mình phải là bạn của chính mình. Đây là chuyện không dễ dàng, mà cần phải học cho biết cách. Thông thường ta chỉ thích hình ảnh mà ta có về mình, thương cái hình ảnh đó chứ thật sự không thương mình, không thương mình làm sao có thể thương bạn mình. Mà tình thương chân thật mới là điều kiện tối ưu để có thể phát sinh tình bạn tâm giao.
Trong tình bạn, những gì hai người làm cho nhau thì cũng giống như mình làm cho chính mình. Nếu chỉ thích những gì tốt nơi bạn mình thì làm sao trở nên bạn của nhau được. Đã là bạn, thì phải biết ôm nhau vào lòng và che chở nhau, cho dù người kia có thế nào đi nữa. Đó là một sự lựa chọn mà tôi phải chấp nhận, cũng như chấp nhận chính bản thân tôi, cả những cái yếu kém và không hay không tốt của tôi, nghĩa là tôi phải từ bỏ ảo tưởng tôi có về tôi. Từ đó tôi mới thật sự yêu thương chính mình, kết hợp với mình trong sự  hài hòa, chứ không sống trong tâm trạng chống trả, loại trừ hay đối nghịch với một vài phương diện nào đó trong chính mình.
Khi biết chấp nhận toàn vẹn con người mình, thì phải biết chăm sóc mình, nghĩa là biết vun tưới, cắt tỉa, bồi đắp, làm cho tính cách của mình trở nên đáng yêu hơn, làm cho tâm hồn mình trong sáng, nhẹ nhàng và cao đẹp hơn. Khi sống hòa hợp với chính mình thì mới hòa hợp với bạn. Khi còn khắt khe và bất bao dung với chính mình thì những điều đó cũng sẽ phóng dội lại trong quan hệ tình bạn. Tiếng nói của vô thức thì mạnh hơn tiếng nói của ý chí. Vì thế, chỉ khi nào biết quan tâm, yêu thương, chăm sóc đến mình, đến trạng thái tinh thần của mình thì mới mong có được người bạn tri âm tri kỷ. Tình bạn không chỉ để thỏa mãn nhu cầu tình cảm chân chính, nhưng quan trọng là giúp mình khám phá ra những bí ẩn của tâm hồn để hướng đến sự thiện hảo.
Trung thực và kiên trì
Theo Aristote, do bản chất tự nhiên, con người sinh ra là để bầu bạn. Nhưng để cho tình bạn bền chặt, thân thiết, và phát sinh những hiệu quả sâu xa hơn thì người này phải biết chăm sóc và tạo hạnh phúc cho người kia. Muốn như vậy thì cần phải trung thực và kiên trì. Ai nghĩ chỉ cần thích ứng theo bạn mình để được yêu thì họ sẽ không có một tình bạn đích thực. Không ai muốn có một người bạn như con “kỳ nhông” thay đổi màu sắc theo môi trường. Một sự thích ứng bung xung theo bạn mình không khác nào tự hạ giá chính mình, không còn trung thực với chính mình trong những điều hay lẽ phải, thì mình còn cao quí gì trong tình nghĩa bạn bè.
Một tấm lòng yêu thương
Cành hoa yếu đuối chỉ có thể nở khi nó được che chắn gió sương, tôi cũng phải cho mình một môi trường sống tốt để những gì Chúa đã gieo mầm trong tôi được nẩy nở. Tình bạn cũng cần một khoảng không gian được che chở này để phát triển vì nó rất mong manh. Điều kiện của tình bạn không nhất thiết là nam hay nữ, ở gần hay ở xa, tài trí hay không, đức độ nhiều hay ít, nhưng điều quan trọng là cùng một chí hướng, nhất là phù hợp với nhau về tính cách thể hiện cuộc sống mình. Dĩ nhiên, với một người bạn đầy lòng đạo đức, từng trải và dầy dạn kinh nghiệm sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhau hơn. Người bạn không chỉ là người cố vấn sáng suốt, nhưng trước tiên là người ở gần bên tôi bằng tấm lòng và biết cách nâng đỡ tôi, dù xa mấy cũng cảm được tâm tình của nhau.
Người bạn sống với tấm lòng là người bạn biết nghe mà không xét đoán, khiến tôi có thể nói hết mà không cần phải nghĩ ngợi, dè dặt, cân nhắc từng lời, vì biết rằng bạn sẽ giữ bí mật và là nơi an toàn cho tôi, để tôi có thể xả hết những yếu đuối của tôi; để tôi có thể buông hết mọi hàng rào phòng thủ và để các vết thương của tôi lộ ra. Thổ lộ được các yếu kém của mình sẽ làm cho mình không còn ray rứt, và cuộc sống trở nên thoải mái nhẹ nhàng, sinh động hơn.
Dành thời giờ cho nhau
Tình bạn là một cái gì rất mật thiết, nên cần có thời giờ ngồi bên nhau để lắng nghe và chia sẻ những khó khăn, ưu tư, nguyện vọng, cũng như những trăn trở, thao thức về những vấn đề trong cuộc sống của nhau. Cần nhạy cảm nắm bắt tâm tư của nhau hơn là những lời lẽ bên ngoài. Ngoài việc đồng cảm với nhau, còn phải tìm ra những phương cách thiết thực, và hành động hữu hiệu cho nhau. Điều này có những lúc đòi hỏi ta phải hy sinh rất nhiều, nổ lực kiên trì và quảng đại bao dung, như vậy mới thực sự sống tình bạn và làm cho nó lớn lên mỗi ngày.
Ngoài ra, Anselm Grun[1] còn nói rằng: “Tất cả tình bạn đều cần các dấu hiệu gần gũi nhau. Đàn ông thường gặp khó khăn khi diễn tả tình cảm của họ qua các cử chỉ: ôm hôn nhau, tỏ lòng trìu mến nhau. Họ sợ cho là đồng tính luyến ái. Vậy mà sự gần gũi cần phải có trong tình bạn không liên quan gì đến dục tính. Chúng ta cần phải sáng tạo một văn hóa mới, một văn hóa không hiểu tình bạn theo kiểu của Freud – dục tính bị ẩn ức và tình yêu bị kìm nén – mà theo một dạng thức đặc biệt của khoái cảm, khoái cảm có được do sự hiện diện của người khác. Như vậy, các bà không còn ngần ngại diễn tả tình cảm của họ bằng những cử chỉ trìu mến, các ông không còn sợ bị xem là mềm yếu”.

Lm. Thái Nguyên