Từ
độ trong năm đã thấy mẹ nói gióng “sau tết mẹ lấy chồng”. Tưởng chỉ đùa
vậy thôi hóa ra mẹ lấy thật. Nhẹ hều như chuyện chẳng có gì to tát. Như
là mẹ qua sông đi chợ, như ba lô quần áo kia chỉ đủ để mẹ đi thăm bạn
bè cũ vài ngày. Trước hôm theo chồng mẹ quét tước cửa nhà tinh tươm, hái
nốt đợt chè xuân, lót sẵn ổ rơm cho mấy con gà mái.
Cây
mai trước nhà vừa trổ nụ vừa rực vàng thay áo, chiều nào lá cũng tức
tưởi rơi. Mẹ không nhớ đã nhặt nó ở đâu về trồng, không phải mai miền
Nam cũng chẳng phải giống mai tứ quý. Giống mai gì kì lạ, năm nào cũng
đỏng đảnh nở hoa sau tết, vàng rực một màu trong nền lá non đỏ lịm. Mẹ
tiếc mãi hoa không kịp nở, nên trước lúc ngồi sau xe người ta trôi đi mẹ
đã hái vài nụ mai nhét vội trong ba lô quần áo. Tôi đứng đó nhìn theo,
trong cổ họng vẫn còn vị tanh của canh cá nấu khế vườn nhà. Bữa cơm đạm
bạc tiễn mẹ về nhà chồng chỉ có rổ rau má, canh cá và đĩa tép khô. Thịt
thà mẹ không ham, mấy thứ đó lúc nào muốn chả có. Lấy chồng về phố, mẹ
chưa gì đã thấy thương mình những ngày tháng xa quê…
Mẹ
lấy chồng lần này là lần thứ tư. Cả bốn lần tôi đều có may mắn được
hiện diện trong ngày trọng đại. Lần thứ nhất tôi hân hoan núp sau lớp áo
lụa trắng đã ngả vàng trong đám cưới bố mẹ mình. Mẹ lúc nào cũng ôm khư
khư cái nón để che đi bụng bầu sáu tháng trước hàng trăm con mắt tò mò.
Nhưng bố không thích thế, bố bảo “đừng có che mắt con, để con có thể
chứng kiến ngày hạnh phúc”. Vài người xoa đầu tôi, mẹ ngượng nghịu nép
sau lưng bố. Chiếc áo vừa vặn thời xuân sắc bỗng nhiên thành ngắn quá,
tôi nằm trong bụng mẹ đội vạt áo nhấp nhô hếch ngược. Cỗ cưới ngày đó
chỉ có cau trầu, bánh kẹo và nước chè đặc sánh. Hôm đầu tiên về nhà
chồng mẹ ra sân quét hoa xoan rơi rụng, mắt ngó ra ngõ dài len lén lau
nước mắt. Đứng trên đồi nhà nội có thể trông thấy cây cau nhà ngoại, lấy
chồng gần vậy mà mẹ cứ như xa cách nghìn trùng. Đấy là tôi nghe nội kể
lại chứ ngày đó tôi nào đâu đã biết gì. Cả cái chết của bố năm tôi tròn
sáu tuổi giờ cũng không còn lưu lại chút kí ức nào. Ngoài hình ảnh hôm
đưa tang bố, mẹ mặc chiếc áo lụa ngả vàng trong ngày cưới, đầu đội khăn
tang trắng đến lạnh lòng. Thế là… mẹ tôi qua một đời chồng.
Lần
thứ hai ngày mẹ lấy chồng tôi còn mải chạy theo đám bạn ra đầu ngõ chia
tiền bán sắt vụn. Vài cánh tay níu tôi lại, lôi xềnh xệch về nhà nội.
Người ta bảo “mẹ mày sắp lấy chồng giàu cần quái gì mấy đồng sắt vụn”.
Tôi bật khóc hu hu chẳng phải vì mẹ sắp đi xa mà chỉ vì thấy lũ bạn đã
cầm tiền chạy mất. Cỗ cưới mẹ lần đó rõ tươm tất, người đến ăn cỗ còn
mang túi nilon lấy phần về. Tôi đứng nép ở góc nhà ngó mẹ diện váy cưới
ren trắng đứng bẽn lẽn bên người đàn ông của mình. Mẹ làm nữ chính trong
buổi tiệc, vui vẻ ban phát từng cái gật đầu, từng nụ cười với người
xung quanh. Thỉnh thoảng như chợt nhớ ra mình còn có một đứa con nên mẹ
đưa mắt dõi tìm tôi. Mối liên hệ giữa tôi và mẹ lúc đó chỉ là những cái
vẫy tay. Tôi khi đó mười tuổi bỗng nhiên thấy mẹ xa lạ quá nên không dám
lại gần. Chiếc váy cưới biến mẹ thành một người khác, đẹp rạng rỡ như
một điều kì diệu. Người đàn ông của mẹ có chiếc mũi diều hâu, ông vừa
cười vừa hít vào khìn khịt. Ông bốc cho tôi một nắm kẹo xanh đỏ, xoa đầu
tôi vài cái. Rồi thản nhiên đón mẹ tôi đi. Tôi ở lại với nội không khóc
nhớ mẹ cũng chẳng thèm tức giận mỗi khi bị tụi bạn trêu. Chỉ là mẹ đi
lấy chồng. Chỉ là mẹ không còn ngủ cùng tôi mỗi tối.
Lần
thứ ba mẹ đi lấy chồng tôi đã thành thiếu nữ. Bữa đó người ta cứ tưởng
nhầm tôi là cô dâu. Mẹ mặc áo dài trắng, da xanh xao, lốm đốm tàn nhang
nổi trên khuôn mặt gầy. Tôi lôi mẹ vào buồng mang son phấn của mình ra
điểm tô cho nữ chính. Mẹ sờ lên má tôi, vuốt tóc tôi. Hình như mẹ nuối
tiếc thời son sắc một thời trong bóng hình tôi tươi trẻ. Mắt môi mẹ đượm
một màu buồn nhưng thỉnh thoảng vẫn bẽn lẽn cười hạnh phúc. Chú rể đầu
lơ thơ vài sợi bạc, lóng ngóng thắp hương vái gia tiên. Lúc đứng chụp
chung bức ảnh kỉ niệm không hiểu sao tôi thương hoài những ngón chân của
dượng. Bàn chân lội ruộng vàng khè đang cố co lại giấu trong đôi dép
xăng đan chật chội. Dượng mặc chiếc áo bộ đội đã bạc màu, gấu quần vải
căng đầy bọng cát. Nội khi đó đã nằm liệt giường nên không còn đủ sức
ngắm đứa con dâu thêm một lần tái giá theo chồng. Ông mất khi bố tôi còn
nhỏ, mấy chục năm trời nội ở vậy nuôi con. Lần trước tiễn mẹ đi nội ra
ngõ ngóng theo lén lau nước mắt. Lúc nghe tin người ta đánh đuổi mẹ ra
đường nội lại lật đật tàu xe đi đón con về. Mẹ có qua mấy lần đò cũng
vẫn là con dâu của nội. Nội lẫn đã lâu nên hôm thấy mẹ về nhà chồng nội
níu tôi lại hỏi pháo ở đâu nổ giòn giã vậy? Xứ của mình bây giờ bói đâu
ra tiếng pháo. Nội ơi…
Thiên
hạ vẫn thường hay thương vay khóc mướn. Họ thương hại giùm tôi cái kiếp
cây cỏ lay lắt sống. Nhưng tôi đâu có buồn cũng chẳng hề trách mẹ.
Người đàn bà nào cũng có quyền hạnh phúc. Mà mẹ tôi lại là người tha
thiết kiếm tìm hạnh phúc, điều đó có gì sai? Tôi phải cám ơn mẹ vì bà
chưa bao giờ coi tôi là gánh nặng cản đường. Điều ấy khiến tôi mang ơn
mẹ theo một cách khác, nhẹ nhàng và không vướng bận hay day dứt. Mẹ chắc
cũng đã nghe đủ lời cay nghiệt từ miệng lưỡi thế gian. Họ nói thứ đàn
bà quạ mổ bỏ con theo giai không biết bao nhiêu bận. Thứ đàn bà bất hiếu
mới không ở vậy phụng dưỡng mẹ chồng. Bao nhiêu cay đắng mẹ giữ trong
lòng, ngạo nghễ đáp lại đời bằng nụ cười trong ngày cưới. Hôm nội mất mẹ
không về kịp. Tim đã ngừng đập nhưng mắt nội vẫn còn ngóng đợi, cho đến
khi những ngón tay của mẹ chạm vào nội mới thật sự thanh thản đi về cõi
khác. Bởi nội hiểu không ai thương nội nhiều như mẹ. Từng ấy năm chịu
bao phận làm dâu, nhưng trong lòng mẹ nội vẫn là bến bờ bình yên nhất.
Mẹ chắt chiu từng đồng quà tấm bánh, từng manh áo ấm, từng viên thuốc bổ
gửi về biếu nội. Những lần mẹ về thăm ngắn ngủi bữa cơm nào cũng bùi
ngùi ba thế hệ. Mẹ như đã sống cho cả phần đời của nội. Cái phần đời cam
chịu đầy giằng níu đã không một lần dám sống vì mình.
Sau cuộc hôn nhân lần ba tôi cứ nghĩ mẹ sẽ chẳng bao giờ lên xe hoa lần nữa. Quá tam ba bận là cùng.
Mẹ
giờ như dòng sông cạn đáy mỏi mệt sau một đời người miên miết chảy.
Từng cuộc hôn nhân tan vỡ, mẹ trở về nhà lầm lũi sống. Đó là khoảng thời
gian hiếm hoi mẹ dành cho tôi tuyệt đối. Mẹ thường ngỡ ngàng khi thấy
tôi lớn nhanh quá. Mẹ đã chăm sóc tôi nhảy cóc từng giai đoạn. Thỉnh
thoảng mẹ biến mất với cuộc hôn nhân của mình vài năm trời. Khi mẹ trở
lại tôi như đã lột xác thành con người khác. Kí ức về tôi trong lòng mẹ
sẽ có vài khoảng trắng. Như cuộn phim bị mất vài đoạn hay, như cuốn sách
bỗng nhiên thấy nhiều trang không một kí tự nào. Sau mỗi lần mẹ làm cô
dâu thì trong đầu tôi cũng là khoảng trắng. Tôi chẳng thể hình dung nổi
mẹ đã sống ra sao ngoài nghe những lời đồn đại chật ních cả tai. Những
khoảng trắng đó chẳng thể nào bù đắp nhưng tôi quen có nó trong đời. Như
là quen bỗng một ngày nào đó mẹ lấy chồng. Kể cả khi mẹ đã bước sang
tuổi sáu mươi.
Trước
hôm theo người đàn ông thứ tư về phố, mẹ gõ cửa phòng sang ngủ cùng
tôi. Tôi ba mươi, hiểu đến từng tiếng trở mình của mẹ. Nửa đêm nghe mưa
xuân rớt lạnh ngoài cửa sổ, mẹ thở dài hỏi:
– Có phải vì mẹ mà con không chịu lấy chồng?
– Con ở lại để canh mai nở. Lỡ mẹ có về…
– Con ở lại để canh mai nở. Lỡ mẹ có về…
Câu
“lỡ mẹ có về” chìm nghỉm trong cuống họng giữa những tiếng mưa ngày
càng nặng hạt táp vào mái tôn lộp bộp. Tôi khác mẹ ở chỗ luôn hoài nghi
về hạnh phúc, nói đúng hơn đó là cảm giác bất an. Tôi không biết có đủ
can đảm như mẹ để đứng lên sau nhiều đổ vỡ. Cũng không biết còn có ai
đón tôi trở về trong cơn đau đớn tột cùng của một kẻ thất bại. Ai cũng
cần một bến bờ và hình như tôi đã quen với việc chờ đợi mẹ. Dù sự chờ
đợi ấy luôn bọc trong cái vẻ hững hờ, bình thản nhất. Như nhiều năm về
trước đón mẹ ở ngõ trong bộ quần áo lấm lem bùn đất tôi khẽ nhoẻn cười.
Mẹ trải qua cuộc hôn nhân thứ hai với bao nhiêu biến cố thăng trầm nhưng
với tôi mẹ như chỉ vừa đi chợ về. Như thể cuộc hội ngộ ấy không phải
sau sáu năm xa cách. Nhìn mặt mẹ đầy vết thâm tím, mắt sưng mọng, trên
tay là chiếc ba lô đựng hành lí nhẹ tênh ngày mẹ theo chồng. Tôi giấu
cái nhói lòng bằng vẻ mặt hồn nhiên nhất, vờ cúi xuống vơ nắm lá mai
nhóm bếp. Tôi giục “cơm sẽ chín nhanh thôi, mẹ đi tắm luôn đi”. Rồi
chúng tôi ăn cơm hệt như những ngày chưa xa cách. Tôi kể những câu
chuyện vụn vặt và tuyệt nhiên không bao giờ hỏi về những vết thương trên
thân thể hay trong lòng mẹ. Trên con đường kiếm tìm hạnh phúc mẹ vẫn
như đứa trẻ tập đi bị vấp ngã nhiều lần. Cách tốt nhất là để tự mẹ xoay
xở đứng lên còn hơn là để nỗi đau đó vỡ òa trong sự thương xót của người
thân.
Sau
đời chồng thứ ba mẹ trở về nhà héo tàn như lá úa. Tôi lúc đó cũng vừa
kịp trải qua mối tình đầu ba năm hò hẹn. Đã thôi tránh nhìn vào mắt mẹ,
đã thương xót nhau quá đỗi đàn bà. Dượng mất sau một vụ tai nạn xe hơi,
nhà cửa ông bà để lại anh em dượng tranh nhau xâu xé. Trên đầu mẹ là
vành tang trắng, trong ba lô xách về có thêm di ảnh dượng. Mẹ đốt hương
trầm cho bố tôi, ngẩn ngơ ngồi khóc. Ở góc nhà lập thêm một bàn thờ, thờ
dượng. Có đốt khói hương ở nơi này dượng cũng không về được nhưng tôi
nghĩ chắc lòng mẹ sẽ thanh thản, nên làm. Nhiều ngày dài chúng tôi trò
chuyện với nhau bằng lặng câm. Tôi không biết làm gì hơn ngoài nấu cho
mẹ những bữa cơm, quanh quẩn vườn nhà chờ nghe gọi “con ơi…”. Nhiều mùa
mai rụng lá, rồi mai trổ nụ bừng hoa đã đi qua. Và tim mẹ cũng đã vui
trở lại.
Tôi
mong sao lần này là lần cuối mẹ làm cô dâu. Dẫu chẳng có hoa cưới cầm
tay, hoa trắng cài đầu mẹ vẫn cứ là cô dâu đẹp nhất. Vẫn bẽn lẽn như lần
đầu làm cô dâu của bố. Dù lúc ngồi đằng sau xe người đàn ông ấy tôi
thấy rõ tuổi xế chiều của mẹ. Mười tuổi tôi đã biết gập đồ cho mẹ về nhà
chồng. Trong hành lí lần này của mẹ tôi lén bỏ vào vài hộp thuốc hoạt
huyết, thuốc bổ mắt, thuốc trợ tim. Chiếc kính lão cũng là món đồ không
thể thiếu. Người đàn ông thứ tư của mẹ cũng từng trải qua một đời vợ.
Những cong vênh khớp lại với nhau có đôi khi vừa vặn. Hạnh phúc cuối đời
ngậm ngùi đến từng cái nắm níu tay nhau. Tôi ngồi dưới gốc mai nhìn
theo chiếc xe máy đang trôi dần xuống dốc. Nhìn cho đến khi cô dâu, chú
rể chỉ còn là chấm nhỏ lấp lánh ánh hoàng hôn vàng như một bông mai. Thì
tôi đứng dậy cầm chổi vun đống lá cuối mùa mai thay áo. Rồi một ngày
nào đó tôi cũng sẽ lấy chồng. Không còn ai sống trong ngôi nhà này để
canh mai nở…
Vũ Thị Huyền Trang
Ôi buồn sao thân phận những người đàn bà vẫn cứ loanh quanh kiếm tìm hạnh phúc cho mảnh đời ngắn ngủi. Thương cho mẹ, thương cho con gái.
ReplyDelete